Hơn 80 năm xây dựng và hoàn thành, các trạm ga tàu điện ngầm ở Nga được gây ấn tượng bởi lối thiết kế trang trọng, tinh xảo, có vẻ đẹp tráng lệ không thua kém các tòa lâu đài, cung điện. Ngày 15/5/1935, hệ thống metro đầu tiên được khai trương tại Moscow, gồm 13 nhà ga với 1 tuyến đường ray dài 11km, phục vụ người dân Moscow và các tỉnh lân cận. Đây cũng chính là tuyến đường sắt ngầm đầu tiên, đồng thời là công trình kiến trúc tham vọng nhất của Liên Xô thời bấy giờ.
Tính đến năm 2014, tổng chiều dài các tuyến lên tới 325.4 km, gồm 194 nhà ga. Cho tới năm 2017, hệ thống tàu điện ngầm của Moscow Nga đứng thứ 7 thế giới về chiều dài. Mới đây, ngày 16-1-2018, ba trạm tàu điện ngầm gồm Belorusskaya, Kievskaya và Komsomolskaya được xếp trong danh sách Di sản Văn hóa.
Nhà ga Belorusskaya do các kiến trúc sư hàng đầu Ivan Taranov và Nadezhda Bykova tạo nên với chủ đề liên quan tới nền kinh tế và văn hóa của người dân Belarus. Nằm dưới độ sâu chừng 42m, nhà ga mở cửa đón khách năm 1952. Với trạm ga Kievskaya, vào thời điểm công trình được xây dựng, 40 kỹ sư hàng đầu của Liên Xô cùng nộp dự án và chiến thắng thuộc về nhóm các kỹ sư đến từ Kiev. Thiết kế của nhóm kỷ niệm 300 năm tình hữu nghị giữa Nga và Ukraine, mở cửa đón khách đầu tiên vào năm 1954. Nhà ga Komsomolskay do kiến trúc sư Alexei Shchusev thiết kế năm 1952 là công trình được trang hoàng bằng những bức tượng nổi với chủ đề quân đội.
St.Petersburg, Thành phố diễm lệ nằm bên bờ sông Neva cũng có lịch sử phát triển công trình metro ở đây cũng không kém phần thú vị. St.Petersburg từ thế kỷ XVIII đã được xem là đầu mối giao thông về đường sắt và đường bộ, một thành phố lớn giao thương sầm uất không thể không tính đến các giải pháp phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Dự án táo bạo xây dựng “con đường ngầm St. Petersburg” nộp lên Sa hoàng Alexander I vào năm 1820 đã bị Sa hoàng và giới lãnh đạo của giáo hội Chính thống giáo và giới quý tộc đả phá không thương tiếc. Họ cho rằng, công việc đào bới sẽ “vi phạm các tiện ích và tính đáng tin cậy của thành phố”; các con đường chạy ngầm bên dưới thành phố sẽ làm suy yếu nền móng của các giáo đường và dinh thự. Giới thương gia thì lo sợ “những cuộc khai quật mở sẽ gây trở ngại cho giao lưu thương mại”; còn giáo sĩ mạnh miệng nhất khi nhấn mạnh “các phương tiện chạy dưới lòng đất bên dưới các giáo đường không khác gì những hang chuột sẽ làm giảm đi phẩm giá thiêng liêng”. Vì vậy, tất cả các dự án xây dựng con đường ngầm ở St. Petersburg dĩ nhiên bị vứt vào sọt rác.
Năm 1938, vấn đề xây dựng một trạm tàu điện ngầm cho Thành phố Leningrad lại được khơi gợi theo đề xuất của Alexei Kosygin, Chủ tịch Ban chấp hành Hội đồng Đại biểu nhân dân. Ngày 21-1-1941, Ủy ban thành phố Leningrad cho thành lập Ban Quản lý Xây dựng số 5 chuyên trách giám sát việc thiết kế và xây dựng hệ thống metro cho thành phố.
Năm 1946, theo bản thiết kế mới, các chuyên gia đã đưa ra hai giải pháp cho những vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng metro. Thứ nhất, các trạm phải được xây dựng ở một mức độ cao hơn tuyến đường bình thường để tránh sự thoát nước trực tiếp khi thành phố bị úng ngập; thứ hai chiều rộng đường hầm trung bình giảm xuống 5,5m so với tiêu chuẩn 6 mét của metro thủ đô Moscow. Vào ngày 7-10-1955, điện đã được bật lên trong metro và đến ngày 5-11, chuyến tàu điện ngầm đầu tiên lăn bánh. Như vậy, hơn 10 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II chấm dứt, Thành phố Leningrad cuối cùng đã có một mạng lưới vận tải ngầm.
Tuy quy mô kiến trúc không như hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô, nhưng metro St.Petersburg cũng có không ít những trạm dừng tráng lệ, như trạm Avtovo nằm trên tuyến đường số 1 được xây dựng vào năm 1955. Nơi đây dễ khiến du khách nhầm tưởng đang lạc vào một cung điện dưới lòng đất với hàng cột điêu khắc cầu kỳ, đèn chùm trên các mái vòm hay treo dọc lối đi cùng đường nét trang trí mang phong cách của thời kỳ Xô viết, vì thế nhiều người còn nhận xét trạm Avtovo không khác gì “phòng trưng bày bộ sưu tập đèn chùm”.
Đầu năm 2012, St.Peterburg đã khánh thành trạm tàu điện ngầm mang tên “Admiralteiskaya” (Bộ Tư lệnh hải quân). Muốn xuống đến sân ga, hành khách phải dùng cầu thang cuốn xuống đến độ sâu sâu 125 mét rồi tiếp tục xuống trên cầu thang khác thêm 30 mét. “Admiralteiskaya” là trạm metro sâu nhất ở Nga.
Đến nay, nhiều nhà ga điện ngầm ở Moscow và St. Petersburg vẫn giữ nguyên vẻ lộng lẫy vốn có, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển (khoảng 15 triệu lượt khách mỗi ngày) mà còn là điểm tham quan của khách du lịch. Chính quyền Thủ đô Moscow và Thành phố St. Petersburg cũng lên kế hoạch mở rộng công trình tàu điện cho tới năm 2020.