Lễ Tiễn mùa đông Maslenitsa

Maslenitsa

Nhắc đến nước Nga, hẳn bạn phải đôi lần nghe đến từ “Maslenitsa”. Đó chính là Lễ hội Tiễn mùa đông, một truyền thống từ lâu đời của người dân “xứ sở Bạch Dương”. Mỗi năm, cứ vào dịp cuối tháng hai, đầu tháng ba, lễ hội này lại được tổ chức trên khắp mọi miền nước Nga và thường kéo dài suốt tuần, từ thứ hai đến hết ngày chủ nhật. Trong dịp này, người dân Nga rộn ràng tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo, cũng là để chào đón, hy vọng một mùa xuân mới tràn đầy sức sống sớm quay trở lại.

Hình Nộm Maslenitsa 1

Người dân thường dựng hình nộm trên những khoảng đất rộng lớn, và sẽ đốt lên vào cuối dịp Lễ Tiễn mùa đông.

 Lễ hội Tiễn mùa đông – Maslenitsa ở Nga bắt nguồn từ mong ước đơn thuần của những người làm nông. Trải qua mùa đông dài tới gần sáu tháng tuyết rơi, người nông dân Nga mong mùa đông qua mau và mùa xuân đến sớm. Chính vì thế, suốt cả một tuần lễ, người Nga tiễn đưa mùa đông thật “hậu hĩnh” để ông già Tuyết đừng nấn ná ở lại thêm nữa, và mùa xuân có thể mau mau trở lại, để cây cối đâm chồi nảy lộc, để mặt trời mọc lên mỗi sớm mai, rót những tia nắng vàng óng như mật khắp mọi miền đất nước.

Mùa Maslenitsa năm nay tại Nga, diễn ra từ 24-2 đến hết ngày 1-3. Riêng tại Thủ đô Moscow, lễ hội này năm nay bắt đầu sớm hơn, từ ngày 21-2, mà theo lời Thị trưởng thành phố Sergei Sobyanin, “tuy năm nay nước Nga không có mùa đông theo đúng nghĩa, nhưng điều này không làm mất đi tâm trạng lễ hội và hy vọng Maslenitsa 2020 tại Moscow vẫn sẽ thu hút thật nhiều du khách thập phương”.

Có thể nói, Maslenitsa là lễ hội chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc trưng nhất của người Nga, cũng như ngày lễ Сarnival của người Hy Lạp, Italy hay người Brazil… Kéo dài một tuần và trong suốt dịp này, những người theo Chính thống giáo sẽ không ăn thịt, mà chỉ dùng các sản phẩm của sữa, bột mỳ, bơ, pho-mát… Nhưng đặc biệt nhất, món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ này là bánh Blin, được làm từ bột mỳ, trộn sữa chua, sữa, trứng, chút muối, song quan trọng hơn cả là những chiếc bánh bột rán này nhất định phải tròn như ông mặt trời, nóng hổi, cuộn tròn sau khi đã được phết thêm bơ, mứt, hay mật ong. Trong lễ hội Maslenitsa, gia đình nào cũng rán thật nhiều, ăn thật nhiều bánh Blin, với mong ước mùa xuân sẽ đem đến những ngày nắng ấm rực rỡ và những mùa màng bội thu.

Bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, song người Nga vẫn giữ một niềm tin rằng, nếu ai không vui chơi hết mình trong những ngày lễ hội Maslenitsa, không trượt như bay từ những triền núi tuyết xuống, không đánh mình tung bay trên những chiếc đu, không cười đùa thỏa thuê trong những ngày lễ hội thì cuộc đời sẽ thiếu vắng những ngày vui, thậm chí là phải sống trong cay đắng.

Tuần lễ Maslenitsa năm 2020 tại Etnomir – Công viên Văn hóa và nghỉ dưỡng ở làng Petrovo, tỉnh Kaluga, nằm cách Moscow hơn 100km cũng thu hút hàng nghìn lượt du khách đổ về từ Thủ đô Mosow, tỉnh Kalaga và các vùng lân cận. Đến nơi đây, du khách thập phương được hòa mình trong mùa lễ hội, và cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần.

Tuần lễ Maslenitsa được chia thành hai phần. Nửa đầu là tiểu lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến thứ tư. Nửa sau là đại lễ từ thứ năm đến hết chủ nhật. Mỗi ngày lễ trong tuần đều có tên gọi và ‎ý nghĩa riêng. Ngày thứ hai mang tên “Gặp gỡ”, chuẩn bị cho mùa hội bắt đầu. Các cô gái, chàng trai bện hình nộm bằng rơm, là vị thần mùa đông Maslenitsa và rước quanh làng. Trong ngày này, người ta tạo dựng những khu đất rộng lớn, chuẩn bị cho các trò chơi mùa đông, trang trí bàn trà, bánh trái, những món ăn ngọt ngập tràn và những chiếc ấm samovar luôn bốc khói.

Ngày thứ ba có tên gọi “Khai hội”. Những trò vui bắt đầu. Các chàng trai cô gái dập dìu trượt tuyết từ trên đồi xuống bằng xe trượt tuyết, những em bé má hồng rực như những trái đào, những mẹ, những chị trong những tấm khăn choàng Nga khoe sắc rực rỡ giữa những ngày đông tuyết trắng. Những trò chơi nối tiếp nhau, hối hả, tiếng đàn accordeon rộn ràng và những giai điệu dân ca Nga như giục giã, mời gọi. Và chẳng ai có thể đứng im. Tất cả u sầu tan như biến theo những điệu nhảy, những vòng quay, chỉ còn lại tiếng cười, như làm ấm cả một vùng không gian rộng lớn.

Ngày thứ tư mang tên “Ăn uống”. Trong ngày này, các chàng rể nhất định được gia đình bên vợ thết đãi bánh Blin. Nếu ở Việt Nam, mối bất hòa nàng dâu – mẹ chồng thường làm đau đầu bao gia đình, thì ở Nga, mối quan hệ chàng rể – mẹ vợ mới là “nhạy cảm”, “mong manh”. Có lẽ, bởi các chàng trai Nga hay chấp nhận ở rể, và vì thế, các mẹ vợ hay được thể quát nạt con rể.

Ngày thứ năm bắt đầu đại lễ Maslenitsa. Xưa kia, trong ba ngày tiểu lễ, người ta vẫn có thể đi làm, thì kể từ ngày đại lễ, mọi công việc đồng áng đều phải dừng hết, chỉ để chuyên tâm… vui chơi. Và “Vui chơi” chính là tên gọi của ngày lễ này. Vui chơi cũng có nghĩa là để rũ bỏ hết mọi muộn phiền, những u ám của năm cũ, cùng nhau bỏ qua những mâu thuẫn, hiểu nhầm… Ngày thứ sáu là ngày các chàng rể “úy lạo cha mẹ vợ”, họ mời cha mẹ vợ tới nhà nếm bánh Blin. Sang ngày thứ bảy được coi là ngày của các “Chị, em bên chồng”, là dịp để các nàng dâu “lấy lòng” các chị em nhà chồng, mời họ đến chơi nhà thết đãi bánh Blin và còn chu đáo chuẩn bị những món quà nhỏ tặng họ khi ra về.

Và cuối cùng, ngày chủ nhật đã đến. Đây là tâm điểm của Lễ hội tiễn mùa đông – ngày có tên “Xá tội”. Trong ngày này, mọi người vui chơi, gặp gỡ, chúc mừng nhau và cầu mong tha thứ cho mọi lỗi lầm, sự hiểu nhầm… Và khi chiều xuống, tất cả cùng tập trung bên những hình nộm và nổi lửa đốt chúng, như đốt hết mọi xui xẻo, bệnh tật, những phiền muộn, kém may mắn của năm cũ, để xua đi cái lạnh của mùa đông và chờ mong một mùa xuân mới ấm áp mau trở lại.

Cùng với thời gian, nhiều phong tục đã được lược bớt, giản tiện, song ý nghĩa của Lễ hội Maslenitsa ở nước Nga vẫn vẹn nguyên, như vẹn nguyên những mong ước của con người về hạnh phúc, về những điều tốt lành sẽ đến sau cả một mùa đông lạnh giá.

Hình Nộm Maslenitsa 2

Người dân thường dựng hình nộm trên những khoảng đất rộng lớn, và sẽ đốt lên vào cuối dịp Lễ Tiễn mùa đông.

 

Trò Chơi Tại Maslenitsa

Trò chơi trong Tuần lễ Maslenitsa.

Hình Nộm Maslenitsa 3

Mua các hình nộm làm bằng vải, là biểu tượng của các vị thần may mắn, bảo vệ con người trước những xui xẻo, bệnh tật, muộn phiền.

 

Theo Báo Nhân dân
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho ABC Travel!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.